Tìm hiểu về chiến thuật sơ đồ ba trung vệ

Về cơ bản, trong cách bố trí này, chúng ta có năm cầu thủ đứng ngang nhau, nhưng khi bóng được đẩy sang một bên, người đứng gần nhất sẽ dâng cao lên ngang với khu vực hàng tiền vệ, bốn người kia sẽ bố trí lại một cách tương ứng để tạo một bộ tứ vệ mới.
1. Vài nét về ba trung vệ Chúng ta thường thấy các đội bóng sử dụng những sơ đồ có bốn hậu vệ. Nhưng có bao giờ bạn thấy đợt tấn công hơi thiếu thiếu khi chỉ có một hậu vệ biên được phép dâng rất cao, trong khi người còn lại thì phải đứng thấp hơn, vì thế giảm bớt sự đe dọa? Còn nếu như cả hai hậu vệ cánh đều dâng lên, hai trung vệ sẽ không có người bao bọc và phải chống đỡ khổ sở với những đợt tấn công vào hai bên nách? Vậy thì không phải tìm kiếm đâu xa nữa. Giải pháp đơn giản là: thêm một trung vệ nữa, thành ra ba người. Như vậy, đội bóng đó sẽ có thể đẩy cả hai hậu vệ biên lên cao hơn (lúc này ta gọi họ là “wing-back”). Với ba trung vệ luôn sẵn sàng phòng ngự, khả năng chống phản công của đội sẽ được đảm bảo. Đó là còn chưa kể tới việc với ba trung vệ, ta có thể bố trí một cặp đôi tiền đạo theo kiểu cổ điển (Dwight Yorke – Andy Cole chẳng hạn), thậm chí còn thêm được một tiền vệ tấn công chuyên kiến tạo phía sau nữa. Việc chỉ có một người ở mỗi cánh thay vì có hai như những sơ đồ kiểu 4-4-2 hay 4-2-3-1 làm cho nhiều người lo ngại: Liệu có bị hổng cánh không? Thực tế thì sơ đồ nào cũng có khoảng hở cả. Giống như là một người to con đắp cái chăn nhỏ vậy:đắp chỗ này thì tất sẽ hở chỗ kia. Mà các cầu thủ đâu có đứng chôn chân ở một vị trí. Ba trung vệ chẳng nhẽ không có ai dạt ra hỗ trợ phòng ngự cánh hay sao? Và chẳng nhẽ ba trung vệ lại không có lợi thế nhất định so với có hai trung vệ trong khâu chống bóng bổng hay sao? Ba trung vệ chống lại hai tiền đạo thì quá lí tưởng: hai người chuyên việc kèm sát, một người bọc lót. Thế còn nếu chỉ phải đấu với một tiền đạo? Ba chống một là thừa thãi. Tuy nhiên cần phải linh hoạt: một người chuyên kèm, một người bọc lót, một người sẽ có thể chơi như một tiền vệ – quét ở phía trên khi phòng ngự, dắt bóng lên trên khi tấn công – thì sao? Chúng ta có ba hình thức tổ chức cụ thể: “ba trung vệ”, “tứ vệ dao động” và “hàng ngang năm người”. a. Ba trung vệ

Tuy thường được nói tới nhiều nhất trên các kênh thông tin về bóng đá trong thời gian qua, đây thực tế là loại ít được sử dụng nhất. Bộ ba này hoàn toàn có thể trở thành hàng bốn hay năm người. Quan trọng hơn cả vẫn là cách tập thể các cầu thủ di chuyển như thế nào. Wing-back có thể tạm thời lùi xuống ngang với ba trung vệ – nhưng nên nhớ, chỉ là tạm thời mà thôi. Các wing-back, bằng việc di chuyển bám người (chứ không di chuyển phụ thuộc theo vị trí của bóng như ba trung vệ) có thể được kết nối một cách linh hoạt với hàng tiền vệ, hoặc tự chọn vị trí phù hợp với hoàn cảnh. Tuy không nhiều, nhưng ta có thể có một số ví dụ như đội tuyển Chile trong thời gian gần đây, Barcelona dưới thời Josep Guardiola năm 2012 và cả của Johan Cruyff trước đây, hay là Ajax Amsterdam của Louis van Gaal… Tuy nhiên, hệ thống này lại khá khó để triển khai, vì nguy cơ bị khoét vào khu vực cánh nếu wing-back không phòng ngự tốt một cách liên tục hay không nhận được sự hỗ trợ là rất dễ xảy ra. Vì vậy, nhiều đội sử dụng hàng phòng ngự bốn, hoặc năm người. Từ đó, chúng ta có một giải pháp “trung hòa” giữa cả hai, là “bộ tứ vệ dao động”. b. Tứ vệ dao động Đây là một sự kết hợp giữa ba phương án của hàng hậu vệ: ba, bốn và năm người. Về cơ bản, trong cách bố trí này, chúng ta có năm cầu thủ đứng ngang nhau, nhưng khi bóng được đẩy sang một bên, người đứng gần nhất sẽ dâng cao lên ngang với khu vực hàng tiền vệ, bốn người kia sẽ bố trí lại một cách tương ứng để tạo một bộ tứ vệ mới.
Trong hình trên, wing-back Layun của tuyển Mexico (World Cup 2014) áp sát cầu thủ đối phương đang có bóng, còn wing-back phải Aguilar lùi vào, trong khi ba trung vệ Rodriguez – Marquez – Moreno thì giữ nguyên vị trí tương đối. So với phương án “ba trung vệ”, phương án này không gây được áp lực lên đối phương ở khu tiền vệ mạnh bằng, nhưng lại che giấu được vấn đề “hở biên” hơn. Cầu thủ wing-back xông lên áp sát đối phương được tự do hơn, vì anh ta biết ở phía sau đã có một người đồng đội bọc lót ở cánh rồi. Nếu đối phương chuyển cánh, wing-back phía đối diện lại di chuyển ra, trong khi anh ta sẽ dịch vào. Nếu đối phương tạt vào, số lượng người ở trung tâm cũng đủ để chống. Tuy nhiên, một điểm yếu của cách bố trí này là vùng “half-space” có thể bị hở ra khi wing-back dâng cao để áp sát đối thủ. Để khắc phục điểm yếu này, cách thứ ba sẽ được giới thiệu sau đây. c. Hàng ngang năm người Với cách bố trí này, cả năm người đứng ngang nhau và cùng di chuyển với nhau như một thể thống nhất. Nếu bóng ra cánh, cả hàng ngang sẽ dịch sang đó. Khoảng cách giữa các cầu thủ (theo bề ngang) là nhỏ, tạo nên sự gắn kết và không cho đối phương có thể xuyên phá được. Những pha xuyên phá vào vị trí của wing-back ở gần bóng là không khả thi; hàng phòng thủ cũng được bố trí tốt hơn. Điển hình như khi các trung vệ dâng cao để áp sát, các khoảng trống rất ít lộ ra, ngược lại với hai cách bố trí trên.
Tuy vậy, so với “bộ tứ vệ dao động”, phương pháp này cũng có những nhược điểm. Bề rộng của nó có phần hẹp hơn (do số lượng người thường trực đông hơn). Khi đối phương luân chuyển bóng với nhau ở khu vực half-space trên phần sân mình cũng như chuyền chéo lên phía trên, hàng ngang năm người lại tỏ ra bị động, mặc dù vẫn đảm bảo giăng kín trước khung thành. d. “Không hàng lối” Nếu không sử dụng bất kì cách nào trong ba cách trên, còn một phương án cuối cùng: sử dụng hàng phòng ngự ba, hoặc năm người, với cơ chế không rõ ràng. Đội tuyển Hà Lan có nhiều hậu vệ đứng thành hàng lối với nhau, nhưng mỗi người lại thường dâng cao để kèm sát một cầu thủ đối phương nhất định. Ví dụ, nếu một trung vệ dâng cao lên để kèm người, những đồng đội còn lại của anh này sẽ dịch vào để bọc lót, nhưng có những tình huống khác mà sẽ không có sự dịch vào này, hay là đồng đội khác của anh cũng dâng cao kèm người. Như vậy, tùy tình huống, chúng ta có thể thay đổi giữa hàng thủ ba người, năm người hay bốn người “dao động”, tùy vào đối phương cũng như từng tình huống cụ thể trong trận đấu. Swansea City dưới thời Michael Laudrup là một ví dụ tiêu biểu, với nền tảng cơ bản là một hàng tứ vệ. 2. Những ưu điểm về mặt chiến thuật Dù có dùng cách nào trong các cách kể trên, hệ thống ba trung vệ cũng luôn có những lợi thế nhất định. Nếu như chơi bóng nghiệp dư, hệ thống ba trung vệ có thể gây bất tiện, nhưng với bóng đá chuyên nghiệp, khi các cầu thủ hoàn toàn có sự cơ động cần thiết để di chuyển một quãng lớn trong thời gian ngắn, sẵn sàng lấp các khoảng trống một cách nhanh chóng, bất lợi về quân số đơn thuần ở cánh có thể được giải quyết. Trong khi đó, những khu vực chiến lược như trung lộ hay half-space đều có người trấn giữ. Như vậy, khả năng phòng ngự được tăng cường. Với cách bố trí “hàng ngang năm người” hay “bộ tứ dao động”, khu vực cánh được gia cố; trong khi cách “hàng ba người” cho phép tăng áp lực lên đối phương ngay từ hàng tiền vệ. Bên cạnh việc không cho đối phương xâm nhập những khu vực quan trọng, nó còn giúp đội nhà tăng khả năng tấn công ở chính những khu vực đó. Từ vùng half-space, bóng có thể được đưa ra một cách dễ dàng ra cánh hoặc vào trung lộ – hai khu vực rất gần. Sau đó, nhiều phương án áp đảo quân số ở những vùng nhất định được triển khai. Với ba trung vệ, cộng thêm một thủ môn, các tiền vệ có tổng cộng bốn phương án để chuyền về phía sau. Nếu như đối phương có đuổi theo những đường chuyền về thì cũng không vấn đề gì cả, vì có tới ba trung vệ – một lợi thế so với khi chỉ chơi với hai trung vệ. Hơn nữa, hệ thống ba trung vệ cho phép một người di chuyển lên phía trước. Ví dụ như “half-back” (trung vệ lệch trái và phải) tiến lên nhưng vẫn được hai đồng đội còn lại hỗ trợ; trung vệ giữa thì có thể lên-xuống như kiểu “libero”. Chúng ta có thể thấy điều này trong trận chung kết DFB Cup mùa trước, khi Martinez đứng hơi cao trong giai đoạn luân chuyển bóng ban đầu, còn Neuer đứng gần như ngang với hai “half-back”. Khi kết hợp với một tiền vệ “số 6” lui xuống khoảng trống giữa các trung vệ, hoặc giữa trung vệ và wing-back, khả năng cầm giữ bóng sẽ tăng lên. Khi chơi với ba trung vệ, một đội bóng sẽ nắm giữ tốt hơn khu vực trung tâm và half-space, từ đó sẵn sàng hơn để đối phó với những đợt phản công của đối thủ, hoặc là phản-pressing. Ba trung vệ là một lá chắn an toàn, và khi giành lại được bóng, triển khai cũng sẽ dễ hơn. Đồng thời, khi đội nhà có cơ hội phản công, các wing-back có thể tự do băng lên không cần đắn đo vì đã có tới ba người bảo vệ ở phần sân nhà rồi. Thậm chí, nếu như các trung vệ có tầm nhìn và khả năng chuyền tốt, họ sẽ trở nên lợi hại hơn nữa trong hệ thống ba trung vệ – hãy nghĩ tới Leonardo Bonucci. Nhưng ba trung vệ không phải là không có điểm yếu. 3. Những bất lợi Thứ nhất: So với bộ tứ vệ, số lượng người ở hàng hậu vệ của hệ thống ba trung vệ là cao hơn – đồng nghĩa với việc có ít người hơn ở phía trên (năm, so với sáu người). Nếu ta bố trí hết năm, hay ít nhất là bốn người, vào những vị trí quan trọng ở khu tiền vệ như trung tâm hay “half-space”, số người ở một phần ba sân của đối phương sẽ bị hạn chế, cả ở trung lộ cũng như hai bên cánh. Sơ đồ kiểu 5-4-1 có thể giải quyết vấn đề trên, nhưng như vậy đội hình sẽ khá dàn trải và có xu hướng hơi tiêu cực. Thứ hai: Bẫy việt vị sẽ khó hơn do số người tăng cao. Nếu tất cả không cùng di chuyển đồng thời, đúng lúc, hay đơn giản là lơ là không đứng thẳng với nhau, một cú chọc khe đơn giản có thể dẫn tới một bàn thắng cho đối phương. Costa Rica tại kì World Cup vừa qua chơi với năm hậu vệ và có số lần bắt việt vị thành công kỉ lục – nhưng nhiều lúc, đặc biệt là khi phải đối đầu với ĐT Ý của Andrea Pirlo và Mario Balotelli, phương án này của Costa Rica tỏ ra rất liều lĩnh. Thứ ba: Khi chơi với hàng ngang năm người hoặc ba người, đội bóng đó có khả năng bị vượt qua ở cánh. Một đội bóng thông thường chơi đánh biên có thể lợi dụng khoảng không mà mình có để gây áp lực lên chúng ta. Hoặc nếu như đối phương dùng một hệ thống 4-4-2 chặt chẽ, di chuyển tấn công hợp lí, họ sẽ có được cơ hội một cách tương đối dễ dàng.
4. Kết luận Tóm lại, hệ thống ba trung vệ là một phương án chiến thuật rất thú vị với nhiều kiểu bố trí khác nhau. Trong tương lai chúng ta có thể sẽ thấy sự kết hợp giữa ba trung vệ, tứ vệ dao động, hoặc là năm hậu vệ với một hàng tứ vệ cổ điển và các biến thể khác. Tuy vậy, điều đó không hẳn là các đội sẽ từ bỏ luôn sơ đồ bốn hậu vệ quen thuộc. Về lâu dài, có thể sẽ có đội sẽ áp dụng thường xuyên hệ thống ba trung vệ, như nhiều đội ở Ý, Liverpool của Rodgers hay Bayern Munich của Guardiola. Hãy chờ xem các đội đối thủ sẽ phản ứng thế nào: áp đảo quân số ở cánh, luân chuyển bóng nhằm khai thác half-space, v…v… Bayern Munich đã phỏng theo mô hình 3-5-2 của Juventus, sử dụng bộ tứ vệ dao động, với sự thay đổi sang 4-3-3/4-2-4 khi pressing, cũng như kết hợp một số yếu tố chiến thuật kể trên. Nếu xu hướng này tiếp diễn trong những năm tới, sự đa dạng trong chiến thuật của thế giới bóng đá sẽ được tăng lên rất nhiều.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *